(NLĐO)- Trong mẫu rượu liên quan đến 40 trường hợp ngộ độc, trong đó có 7 người tử vong ở Lai Châu, có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép tới hàng ngàn lần.
Nhiều nạn nhận ngộ độc rượu vẫn đang phải lọc máu và điều trị tích cực
Chiều 15- 2, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu rượu được lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho thấy lượng methanol vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Trong số các mẫu rượu này có 1 mẫu hàm lượng methanol cao gấp hơn 5.000 lần, 1 mẫu hơn 4.700 lần và một mẫu gấp gần 10 lần hàm lượng nằm trong ngưỡng cho phép.
Với kết quả này bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép.
Ông Phong cho biết theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công bố ngày 15-2, 3 mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 100 độ, 556.000 mg/l cồn 100 độ và 475.000 mg/l cồn 100 độ. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng, hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 100 độ.
Loại rượu chứa methanol từng khiến 3 trường hợp ở Quảng Ninh tử vong do ngộ độc
Cùng ngày, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đang tiếp tục cử đoàn các bác sĩ, kỹ thuật viên tiếp tục lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu hỗ trợ y tế địa phương điều trị cho các nạn nhận bị ngộ độc. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện của tỉnh, nhiều trường hợp phải lọc máu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 10-2, gia đình ông Phu Vần Lèng (SN 1957, dân tộc Hà Nhì) ở xã Ma Ly Chải tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến 22 giờ cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó, gia đình tổ chức hậu sự cho ông Lèng trong 3 ngày từ 11 đến 13-2 theo phong tục. Gia đình có mời người trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Đến chiều 13-2, nhiều người cùng bị đau đầu, buồn nôn giãn đồng tử và tử vong.
Theo ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, đến chiều 15-2, đã có 40 người liên quan đến vụ ngộ độc phải nhập viện, trong đó có 5 phụ nữ và trẻ em. 7 người tử vong nằm trong độ tuổi từ 35-60, đều là người dân tộc Hà Nhì. Một trường hợp trong số này tử vong khi đang đi làm nương, số còn lại tử vong trên đường đi cấp cứu hoặc đang được cấp cứu.
Cồn công nghiệp methanol là chất không được phép có trong cơ thể. Nếu uống đúng rượu gạo nấu truyền thống, hàm lượng methanol có sinh ra trong quá trình nấu rượu nhưng không đáng kể. Những trường hợp methanol cao là rượu pha cồn công nghiệp. Các bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều rất nặng nề. Trong đó, lo sợ nhất là tình trạng tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng. Bệnh nhân đều được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng tình trạng nặng khiến bệnh nhân sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Có trường hợp qua khỏi nhưng di chứng cao. Hầu hết bệnh nhân không tử vong lại chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…