Không thể phân biệt được giữa rượu nấu thông thường (ethanol) và rượu pha bằng cồn công nghiệp (methanol)
Tại hội thảo về tác hại của rượu với sức khỏe do Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, tổ chức cuối tuần qua các bác sĩ chuyên ngành chống độc cho biết nếu chỉ nhìn và nếm thử thì không thể phân biệt được giữa rượu nấu thông thường và rượu pha bằng cồn công nghiệp methanol - loại rượu chứa chất gây tử vong nhanh.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, vụ ngộ độc hàng loạt tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khiến 9 người tử vong và hàng chục người khác phải nhập viện, nguyên nhân chính là do rượu chứa cồn công nghiệp methanol. BS Nguyên cho biết loại rượu methanol tức là người ta pha cồn công nghiệp vào nước để thành rượu. Đây là loại rượu trắng, không nhãn mác, giá rất rẻ, không rõ nguồn gốc. Còn sản phẩm rượu của các hãng có tem, mác, rõ địa chỉ và số điện thoại của cơ sở sản xuất thì xác suất chứa methanol rất thấp. Ngay cả loại rượu nấu bằng phương pháp truyền thống thì hàm lượng methanol cũng rất thấp, không thể gây độc.
Từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa do rượu, BS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai, cho biết có những trường hợp nhập viện nhiều lần do xuất huyết dạ dày, men gan tăng cao do uống nhiều rượu. Năm 2016, trung tâm này điều trị gần 4.000 trường hợp xơ gan, trong đó xơ gan do rượu chiếm gần 70%, tăng 5 lần so với trước. Bên cạnh đó, mỗi năm, Trung tâm Tiêu hóa có gần 700 bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu. Trong dịp nghỉ Tết nguyên đán vừa qua, mỗi ngày có từ 25-40 bệnh nhân phải cấp cứu do rượu. “Hiện chúng tôi đang điều trị cho bệnh nhân Đinh Phương Đ., (52 tuổi, ngụ tại Vĩnh Phúc) vào viện trong tình trạng đau thượng vị, sốt, nôn; được chẩn đoán viêm tụy cấp. Bệnh nhân này có tiển sử uống nhiều rượu (200 ml/ngày), trong nhiều năm qua. Sáu năm trước, bệnh nhân Đ. cũng đã từng nhập viện do viêm tụy cấp” - BS Khanh dẫn chứng.
Trong khi đó tại Trung tâm Ung bướu BV Bạch Mai, các bác sĩ cũng cho biết nhiều bệnh nhân ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày và ung thư gan... có tiền sử uống nhiều rượu. Không ít bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư vẫn uống rượu, thậm chí ung thư giai đoạn cuối vẫn bị lệ thuộc vào rượu.
Các BS khuyến cáo tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Theo BS Nguyên, nếu tính 20 g/ngày (nam giới), 10 g/ngày (nữ giới) theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới thì nữ không quá 250 ml bia (5%) hoặc 30 ml rượu trắng (39,9%). Nam không quá 500 ml bia (5%) hoặc 60 ml rượu trắng (39,9%). Nếu phát hiện người uống rượu có dấu hiệu gọi hỏi không biết, co giật, thở yếu, thở chậm, khò khè, tím tái, nôn nhiều, sốt... cần gọi cấp cứu và đưa đến BV.